Đánh giáMáy tính

Đánh giá ROG Zephyrus G15 – Bản nâng cấp đáng giá

Không chỉ được trang bị CPU với 8 nhân 16 luồng, điều chỉ có ở phân khúc laptop gaming trên 100 triệu đồng năm 2019, ASUS ROG Zephyrus G15 còn mang đến nhiều điểm nâng cấp tuyệt vời, xứng đáng cho ngôi vương laptop gaming phân khúc 30 triệu đồng 6 tháng đầu năm 2020.

Thiết kế – Chuẩn mực laptop gaming siêu mỏng ở phân khúc 30 triệu

Zephyrus là dòng laptop gaming siêu mỏng của ASUS ROG, luôn được người dùng đánh giá cao về mặt thiết kế. ROG Zephyrus G15 năm nay vẫn giữ nguyên thiết kế đã quá thành công năm ngoái với nắp máy kim loại và thân máy làm bằng nhựa cao cấp cùng độ mỏng chỉ 18.9mm và cân nặng 2.1kg. Điểm khác biệt lớn nhất là phần logo ROG năm nay đã không còn sáng đèn như phiên bản tiền nhiệm. Anh em có thể xem lại bài review phiên bản Zephyrus G 2019 ở đây

rog zephyrus g15

Cạnh trái máy sẽ là cổng nguồn, cổng mạng LAN, cổng HDMI, cổng USB 3.2 Gen 1 Type-A, cổng USB 3.2 Gen 2 Type-C được nâng cấp tính hỗ trợ xuất hình Display Port và sạc 65W chuẩn Power Delivery.

Cạnh phải sẽ là khe tản nhiệt cùng với 2 cổng USB 3.2 Gen 2 Type-A nữa.

Phía sau được trang 2 khe tản nhiệt với dòng chữ Republic of Gamers cùng với nắp máy được cắt dạng hình thang, giúp thoát khí nóng dễ dàng hơn, đồng thời tiện cho việc nhìn đèn báo tín hiệu.

Mặc dù sở hữu màn hình 15.6″ nhưng nhờ vào viền màn hình mỏng chỉ 6.2mm, cùng với việc lược bỏ cụm webcam (vâng là webcam đấy, gamer các ông chắc chỉ dùng khi livestream, mà nếu có stream thì toàn mua cam ngoài) nên máy có thân hình khá “sexy”.

Cấu hình – CPU hiệu năng khủng khiếp

Nếu có 1 thứ làm bạn phải suy nghĩ khi mua ROG Zephyrus G năm ngoái và ROG Zephyrus G15 năm nay chính là CPU. Nếu như năm ngoái người dùng vẫn còn hoài nghi về hiệu năng trên CPU AMD Ryzen 3000 thì với Ryzen 4000 của năm nay, bạn sẽ phải suy nghĩ 1 lần nữa vì hiệu năng quá khủng khiếp của nó.

Được trang bị CPU AMD Ryzen 7 4800HS (phiên bản cắt giảm TDP còn 35W của Ryzen 7 4800H dành cho laptop gaming mỏng nhẹ) với 8 nhân và 16 luồng, bạn sẽ nhận được sức mạnh của 1 con quái vật mà mới năm 2019 vừa rồi thôi bạn phải bỏ ra hơn 100 triệu trên laptop để có được sức mạnh CPU như vậy. Điểm số Cinebench của nó hoàn toàn ăn đứt Intel Core i7-9750H và gần như tiệm cận với Intel Core i9-9980HK.

Ngoài ra, năm nay Zephyrus G15 cũng sẽ có thêm phiên bản sử dụng GPU NVIDIA GeForce RTX 2060 Max-Q. Đáng tiếc là phiên bản tại thị trường Việt Nam hiện tại chỉ dừng lại ở GTX 1660Ti Max-Q tương tự năm ngoái mà thôi. Điểm số qua các bài test TimeSpy và FireStrike cũng ở mức trung bình khá.

Ngoài ra năm nay RAM cũng được nâng cấp với tốc độ lên đến 3200MHz cùng dung lượng RAM 8GB hoặc 16GB tùy phiên bản, máy cho khả năng đa nhiệm cũng như chơi game được cải thiện. Đây là điểm PC Mark đánh giá các tác vụ văn phòng.

Ổ cứng SSD năm nay cũng là loại Intel như năm ngoái, tốc độ đọc tuần tự gần 2000MB/s, quá ổn.

Với bài đánh giá Final Fantasy XV Benchmark, nhờ vào CPU mạnh hơn nên điểm số cũng cải thiện hơn 800 điểm so với phiên bản tiền nhiệm cùng GPU GTX 1660Ti Max-Q và 16GB RAM

Màn hình, bàn phím, touchpad, loa – Quá tốt cho game thủ

Màn hình trên ROG Zephyrus G15 năm nay cũng là màn hình IPS cho góc nhìn rộng và được nâng cấp lên tần số quét là 144Hz so với 120Hz của năm ngoái. Chất lượng hiển thị ở mức trung bình, độ bao phủ màu tầm 45% NTSC và ~65% sRGB, độ sáng khoảng trên 200nits, Delta-E 1.10.

Điểm nâng cấp đáng giá nhất của màn hình này là hỗ trợ công nghệ Adaptive Sync giúp đồng bộ khung hình của game và tần số quét màn hình, do đó loại bỏ được hiện tượng xé hình khi chơi game, tương tự công nghệ AMD FreeSync.

Ngoài ra ASUS ROG cũng cung cấp tùy chọn màn hình cao cấp hơn với tần số quét là 240Hz, độ phủ màu 100% sRGB, 300nits đạt chuẩn Pantone Validated cho anh em nào dùng thiết kế đồ họa. Đáng tiếc là chưa có tùy chọn màn hình này tại Việt Nam, một phần là để Zephyrus G15 có mức giá dễ chịu hơn cho anh em.

Là một chiếc laptop gaming thuộc phân khúc mỏng nhẹ, bàn phím của ROG Zephyrus G15 cho cảm giác trải nghiệm gõ ở mức ổn với hành trình phím 1.2mm tương tự năm ngoái. Bàn phím LED trắng cùng layout rộng rãi, lấy cảm hứng từ máy tính bàn giúp bạn dễ dàng thao tác, đặc biệt mình rất thích nút Space được làm to ở phần bên trái giúp các thao tác nhảy trong game chính xác hơn. Là 1 chiếc laptop gaming, việc trang bị tính năng N-key rollover loại bỏ tình trạng nhận thiếu phím khi combat cùng ROG Overstroke giúp đẩy điểm nhận phím lên 1/2 hành trình phím thay vì 3/4 hành trình phím như bàn phím thông thường giúp các phím nhận tín hiệu nhanh hơn, góp phần tạo ưu thế trong game. Chất lượng gia công bàn phím khá tốt, font chữ sắt nét đậm chất ROG và phần nền bàn phím được làm rất cứng cáp và hoàn toàn không hề có hiện tượng bị flex.

Touchpad diện tích hợp lý, không lớn cũng không nhỏ, cho cảm giác di chuột mượt mà không bị rít. Việc hỗ trợ driver Precision cho trải nghiệm vuốt khá tốt trên Windows 10. Nói chung với đa phần game thủ, họ sẽ sử dụng chuột ngoài nên việc ROG không tập trung nhiều vào touchpad cũng là điều dễ hiểu.

Loa trên ROG Zephyrus G15 cũng cho cảm giác tốt vượt ngoài mong đợi như phiên bản tiền nhiệm, âm lượng to, rõ, tiếng bass mạnh. Chất âm khá cân bằng phù hợp cho nhiều nhu cầu như chơi game, nghe nhạc, xem phim… Tất cả khá tuyệt vời cho 1 chiếc laptop trong tầm giá 30 triệu.

Ngoài ra có 1 điểm nâng cấp nữa trên Zephyrus G15, đó chính là việc nâng cấp Wi-Fi lên chuẩn Wi-Fi 6 AX cùng ứng dụng GameFirst VI cho tốc độ mạng nhanh và ổn định.

Trải nghiệm thực tế – Game mượt mà, nhiệt độ mát mẻ

Mình đã test 1 số tựa game thông dụng ở chế độ quạt Turbo, trong điều kiện phòng có điều hòa. Lưu ý là CPU AMD không thể lấy nhiệt độ trực tiếp được thông qua Afterburner nên TekCafe đã dùng thông số của HWinfo64 và chụp lại mức nhiệt độ tương ứng nhất với ROG Armoury Crate thể hiện.

Call of Duty Warzone: Full HD, Max Settings
CS:GO: Full HD, Max Settings
Dota 2: Full HD, Max Settings
đánh giá rog zephyrus g15
LOL: Full HD, Max Settings
PUBG: Full HD, Max Settings

Khi stress test bằng Furmark (nhiệt độ môi trường khoảng 25 độ C), nhiệt độ cao nhất mà GPU NVIDIA GeForce GTX 1660Ti Max-Q đạt tới là 75 độ C. Nhiệt độ của CPU AMD Ryzen 7 4800HS cũng chỉ loanh quanh ở mức tối đa là 88 độ C.

nhiệt độ rog zephyrus g15

Khi chơi game, khu vực xung quanh các khe tản nhiệt sẽ nóng lên. Tuy nhiên, bàn phím (đặc biệt là cụm phím WASD) luôn ở trạng thái mát mẻ, không ảnh hưởng đến trải nghiệm. Điểm trừ duy nhất của hệ thống tản nhiệt này chính là độ ồn. Ở mức chế độ quạt cho hiệu suất cao nhất (chế độ Turbo), hệ thống quạt trên ROG Zephyrus G15 có thể gây tiếng ồn ở mức 49 dB, đủ để bạn nghe khá rõ trong phòng kín, đây cũng là điểm chung của những chiếc laptop hiệu năng cao. Ngoài ra phiên bản Armoury Crate mới cũng cập nhật tính năng tùy chỉnh tốc độ quạt theo nhiệt độ CPU và GPU, khá tiện.

Tổng kết: Ông vua phân khúc laptop gaming 30 triệu đồng

Nhờ vào việc sử dụng CPU AMD Ryzen 4800HS có hiệu năng khủng cùng việc kết hợp hợp lý các linh kiện phần cứng và triết lý thiết kế của dòng Zephyrus, ROG Zephyrus G15 là sự lựa chọn hàng đầu của game thủ ở phân khúc 30 triệu đồng ở thời điểm nửa đầu năm 2020.

Ưu điểm

  • Thiết kế đẹp
  • Tản nhiệt tốt
  • Hiệu năng mạnh mẽ
  • Mức giá cực kỳ hợp lý
  • Loa được hoàn thiện tốt
  • Thời lượng pin rất lớn đối với một chiếc laptop hiệu năng cao

Nhược điểm

  • Quạt tương đối ồn ở chế độ Turbo
  • Màn hình tối, độ phủ màu không cao, chỉ tối ưu cho việc chơi game
  • Thiếu webcam tích hợp
  • Bàn phím chỉ có LED trắng

THEO DÕI CÁC KÊNH CỦA TEKCAFE

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Bài viết liên quan